Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Việt Nam phấn đấu có 4 cơ sở giáo dục đại học xếp hạng trong top 1.000 trường thế giới

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng...

100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ


Đề án phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, Đề án phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ.

100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VOV
100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VOV


100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VOV
100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín.

Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Về hội nhập quốc tế, Đề án phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Trên 50% cơ sở giáo dục đại học sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường.

Phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.

Nhiệm vụ trong thời gian tới của Đề án là đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học.

Xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao; xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học.

Thí điểm xây dựng làng đại học quốc tế


Trong đó, Đề án lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đổi mới công tác quản trị, giảm can thiệp hành chính từ các cơ quan nhà nước, bảo đảm tăng cường minh bạch, công khai; chuyển từ mô hình quản lý sang quản trị có hiệu quả; đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ.

Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm.

Hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế.

>> Nguồn: Đỗ Thơm (Báo Giáo dục Việt Nam) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét